Có một câu châm ngôn đã nói rằng “Cuộc sống không cho bạn tất cả những gì bạn mơ ước, nhưng cuộc sống cho bạn quyền được lựa chọn ước mơ và quyền thực hiện nó”. Khi nhắc tới câu châm ngôn này, chúng tôi muốn chia sẻ một câu chuyện về nghị lực và ý chí vượt qua mọi khó khăn để theo đuổi con đường học vấn của em Lê Tiến Sỹ, sinh viên năm nhất ngành Quan hệ công chúng, trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương.
Lần mở những trang cuộc đời của Tiến Sỹ, chúng tôi không khỏi xót xa biết rằng, tuổi thơ của em không được trọn vẹn như bao đứa trẻ khác mà đó là chuỗi ngày hứng chịu những trận đòn roi và những cuộc cãi vã của ba mẹ. Lên 4 tuổi, người cha đã rời bỏ gia đình. Tưởng chừng cuộc sống êm ả nhưng nào ngờ, nỗi đau lại tiếp nối nỗi đau khi mẹ Sỹ “đi thêm bước nữa”.
Lê Tiến Sỹ (thứ 3 từ trái sang) tại lễ trao học bổng "Nâng bước thủ khoa" năm 2023
Nhớ lại những năm tháng ấy, Tiến Sỹ nghẹn ngào tâm sự: “Có nhiều lần em tự hỏi, cũng là một kiếp con người nhưng vì sao mình không được có cha có mẹ đầy đủ, hưởng hạnh phúc trọn vẹn như các bạn đồng trang lứa. Không nơi nương tựa, từ ba ruột đến ba dượng đều chửi mắng, đánh đập có khi thừa sống thiếu chết, cuối cùng phải nương tựa tình thương của bà ngoại”.
Sỹ trầm ngâm: “Ngày tựu trường năm lớp 9, vì cuộc sống quá khó khăn, mẹ buộc em phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình”. Từ đó, nỗi tủi thân của cậu bé 15 tuổi dồn nén đến khi khóc thật lớn tại lớp vì nghĩ đến hoàn cảnh của bản thân mình. Không chịu khuất phục trước cái nghèo khó, Tiến Sỹ quyết định tự lập để tiếp tục con đường học vấn. Những ngày cuối tuần hay tranh thủ thời gian nghỉ hè, em phụ ngoại cạo mủ cao su, giật mủ dây, bóc mủ chén… Sỹ được trả công 50.000 đồng cho mỗi mẫu cao su, tuy tiền công không nhiều nhưng em tích cóp đủ trang trải học phí cho cấp phổ thông.
Lê Tiến Sỹ (thứ ba từ trái sang) tự lập kiếm tiền trang trải học phí từ thời học sinh phổ thông
Năm 2022, Lê Tiến Sỹ trúng tuyển ngành du lịch của trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, với tổ hợp môn xét tuyển đạt 25.5 điểm. Nhưng, một lần nữa, đường học vấn của Sỹ dang dở vì hoàn cảnh tài chính không cho phép. Nuốt nước mắt sống để tiếp tục sống những ngày vô định, em quyết định tạm dừng việc học, bắt đầu đi làm dành dụm tiền để khi đủ điều kiện sẽ tiếp tục con đường đèn sách.
Tạm chia tay với giảng đường đại học, Tiến Sỹ phải trải qua đủ mọi ngành nghề như nhân viên trang trí tiệc cưới với mức thù lao 200.000 đồng/ngày. Tuy chỉ làm các ngày cuối tuần nhưng công việc bấp bênh, không đảm bảo cuộc sống cũng như khó thực hiện những kế hoạch tương lai nên Sỹ xin vào làm ở một công ty tại khu công nghiệp Đồng Phú (tỉnh Bình Phước).
“Mỗi ngày, em phải làm việc 12 tiếng, bên cạnh tiếng băng chuyền, tiếng mắng chửi ép sản lượng của tổ trưởng, đầu óc trống rỗng như một con robot được lập trình sẵn, tay làm không ngừng nghỉ từ khi mặt trời còn chưa mọc đến tận gần khuya”, Lê Tiến Sỹ nhớ lại.
Kể từ khi nghỉ học, Tiến Sỹ trải qua nhiều công việc, chính những bài học từ cuộc sống càng thúc đẩy niềm khao khát trong anh được trở lại ngồi trên ghế giảng đường đại học. “Chỉ có học vấn mới thay đổi được số phận của em”, Sỹ khẳng định.
Sau khi dành dụm đủ chi phí, Lê Tiến Sỹ quay lại giảng đường đại học với thành tích thủ khoa đầu vào ngành Quan hệ công chúng, trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương. Nỗ lực bền bỉ trên con đường học vấn đã giúp em nhận được học bổng “Nâng bước thủ khoa” năm 2023 của Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam và báo Tiền Phong tổ chức.
Lê Tiến Sỹ cười hiền, chia sẻ: “Sau nhiều lần trăn trở, em quyết định chọn ngành Quan hệ công chúng, trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương để viết tiếp những trang cuộc đời của mình. Em tin rằng bản thân đã chọn đúng trường và đúng ngành mình đam mê. Hy vọng rằng, chính từ đây, sẽ chắp cánh ước mơ cho tôi bay cao, bay xa hơn để em đem tri thức của mình đóng góp cho quê hương, đất nước”.
"Nâng bước thủ khoa" là hoạt động thường niên nằm trong chuỗi hoạt động của Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Chương trình nhằm tôn vinh, trao học bổng cho các tân thủ khoa đầu vào các trường đại học, học viện trong cả nước, có hoàn cảnh khó khăn, được các trường giới thiệu.
Hồ sơ xét chọn dựa trên thành tích học tập, hoàn cảnh và tâm thư bày tỏ khát vọng, vượt khó khăn để vươn lên trong cuộc sống của sinh viên. Trong 8 năm qua, kể từ khi ra đời vào năm 2016, học bổng “Nâng bước thủ khoa” đã ươm mầm và chắp cánh ước mơ cho 691 thủ khoa với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng.
XUÂN PHÚC - Ảnh: NVCC