Làng sơn mài Tương Bình Hiệp - 300 năm tinh hoa, sắc màu bất tận...

Trong tiến trình phát triển, Bình Dương là vùng đất mang đậm nét văn hóa làng nghề thủ công truyền thống như: làng gốm, làng chạm khắc gỗ hay làng guốc… Trong đó, sơn mài là một trong những nghề nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Bình Dương hơn 300 năm qua. Từ lối chế tác cha truyền con nối, các lớp nghệ nhân luôn dày công gửi cả tâm huyết để hoàn thiện một tác phẩm sơn mài nghệ thuật với vẻ đẹp lộng lẫy và sâu lắng.

Theo tư liệu “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, nghề sơn mài ở Bình Dương có từ thế kỷ XVII, do di dân từ miền Bắc và miền Trung mang theo vào vùng đất mới. Sau thời gian khai hoang đất đai, tạo kế sinh cơ lập nghiệp, họ đã thực hiện những bức tranh sơn mài đầu tiên. Những bức vẽ cây đa, bến nước, mái đình được tái hiện trên tranh giúp những người con xa xứ vơi đi nỗi nhớ quê nhà.

/fileuploads/Article/Content/Avatar/4b0afa44d3ed40b9953647c8e4adb6a9.jpeg

Những tác phẩm sơn mài giá trị cao đang lưu giữ tại làng sơn mài Tương Bình Hiệp

Làng sơn mài được biết đến nhiều và tiêu biểu nhất ở tỉnh Bình Dương, là làng Tương Bình Hiệp ra đời vào thế kỷ XVIII. Với nguồn nguyên liệu gỗ các loại, kết hợp với sơn dầu từ tỉnh Phú Thọ – một loại nhựa có màu sắc đẹp, lạ và bền tạo nên lớp men đen, bóng, từ đó những nghệ nhân không ngừng hoàn thiện kỹ thuật, đã đào tạo lớp kế thừa ngành nghề cổ truyền và không ngừng phát triển.

/fileuploads/Article/Content/Avatar/cc1ddf09596349758cd0bf4235d4d648.jpeg

Nghệ nhân ưu tú Trương Quan Tịnh (giữa) chia sẻ với "Trải nghiệm cùng BETU" về nghề sơn mài truyền thống tại làng Tương Bình Hiệp

Sơn mài Bình Dương nổi tiếng được khách hàng ưa chuộng, bởi từ nguyên liệu gỗ đến khâu cuối cùng của sản phẩm phải trải qua quá trình 25 công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi một nghệ thuật riêng tỷ mỉ và công phu. Một qui trình sơn mỗi sản phẩm phải mất từ 3 đến 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng.

Trải qua nhiều thăng trầm của thời cuộc, sơn mài trên vùng đất Bình Dương vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng thanh thoát, đậm đà theo tính cách Á đông. Ngày nay, các cơ sở tại làng sơn mài Tương Bình Hiệp sản xuất khá đa dạng các sản phẩm sơn mài, từ những bức tranh nghệ thuật đến các loại tủ, bàn ghế… Bên cạnh các loại tranh sơn mài, còn có các sản phẩm sơn mài để sử dụng và trang trí như: bình, lọ, dĩa, vòng tay, hộp… Sản phẩm sơn mài nói chung có rất nhiều phương pháp thể hiện như: sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc…

/fileuploads/Article/Content/Avatar/308511d2db734f9ea29378ee48003097.jpeg

Minh Khôi và Nguyễn Linh (khoa Quản trị BETU) trải nghiệm thực tế tại cơ sở sơn mài Định Hòa

Với bề dày lịch sử hơn 300 năm, sơn mài làng Tương Bình Hiệp vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Sự phát triển rực rỡ của sơn mài Tương Bình Hiệp không chỉ là niềm tự hào của một làng nghề mà còn là di sản văn hóa đáng trân trọng của dân tộc.

Để hiểu hơn về làng sơn mài Tương Bình Hiệp, kính mời quý khán giả đón xem tập 4 của chương trình “Trải nghiệm cùng BETU”. Chương trình được phát vào lúc 15h30 ngày thứ Sáu (ngày 07-7-2023) tại fanpage Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương.

BETU MEDIA thực hiện

Xem thêm
Xem thêm Tin tức - sự kiện